Phòng tránh tai nạn thương tích trẻ em trong mùa hè
Mùa hè trẻ được nghỉ học, vui chơi và thỏa sức khám phá. Cũng chính vì thế, mùa hè cũng chính là thời điểm xảy ra nhiều tai nạn ở trẻ nhất. Bởi trong khi trẻ có nhiều thời gian vui chơi hơn thì phụ huynh lại không có thời gian để quan tâm và chăm sóc. Trong những lúc thiếu sự quan tâm, lơ là của người lớn, những tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra với các em và để lại những hậu quả nặng nề. Do đó, việc quan tâm phòng tránh các tai nạn thương tích cho trẻ cần được người lớn chú ý nhiều hơn. Ở trẻ em thường gặp một số tai nạn thương tích cần cẩn thận và biết cách phòng tránh như:
Té ngã
Ngã và những chấn thương do ngã là những tai nạn rất thường gặp ở trẻ em, ở mọi lứa tuổi, mọi giới, mọi lúc và mọi nơi. Ngã để lại những hậu quả trước mắt và lâu dài, nhiều khi ảnh hưởng nghiêm trọng đến chức năng cũng như tính mạng của trẻ.
Nguyên nhân:
– Do trẻ chưa hiểu được sự nguy hiểm của những đồ dùng, đồ chơi trên giá cao; việc ngồi trên bậu cửa sổ, lan can không có tay vịn; nhảy từ trên cao xuống (từ bàn, ghế…); chơi những trò chơi không an toàn; chạy nhảy, đuổi nhau, leo cây, trèo cầu thang…
– Do người lớn còn chủ quan, không trông nom trẻ đúng cách để trẻ ngã từ trên giường, võng gây tổn thương sọ não, cột sống; do bế tuột tay có thể dẫn đến chấn thương sọ não hoặc trật khớp…
– Do điều kiện hoàn cảnh sống, môi trường có nhiều yếu tố nguy cơ như nhà cao tầng, xây dựng cầu thang không đúng tiêu chuẩn…
Cách phòng tránh
– Giáo dục con trẻ tránh các trò chơi nguy hiểm như nhảy từ trên cao, đuổi nhau chơi đùa ở những chỗ nguy hiểm, các trò như nhảy ngựa…
– Không khuyến khích trẻ leo trèo ở những nơi không an toàn như cây, cột điện, mái nhà…
– Không để đồ dùng, đồ vật của trẻ ở những nơi quá cao trẻ không với tới được.
– Làm lan can (cầu thang, ban công), tay vịn cầu thang, lắp chấn song cửa sổ, làm cửa chắn cầu thang an toàn.
– Đi cầu thang: Bước vào giữa mặt bậc thang, mắt nhìn xuống chân, tay vịn vào lan can.
– Luôn giữ sàn nhà, nhà tắm, sân… (những nơi sinh hoạt của trẻ) khô ráo, không trơn trượt, không mấp mô lồi lõm.
– Đảm bảo những nơi sinh hoạt của trẻ (đặc biệt cầu thang…) phải có đủ ánh sáng.
– Vào phòng tắm đi dép để tránh bị trơn trượt khi chạy.
– Không đi chân ướt vào sàn nhà.
– Chặt bỏ các cành cây khô, rào quanh cây nếu có thể.
Với trẻ lớn, bố mẹ cần:
– Không để cho trẻ nhỏ dưới 10 tuổi trông trẻ nhỏ dưới 3 tuổi.
– Cần có người giám sát và trông trẻ.
– Trao đổi với trẻ về nguy cơ ngã và các cách phòng tránh trên, đặc biệt các trẻ lớn phải trông trẻ nhỏ hơn.
– Trẻ không được leo trèo cột điện, mái nhà, trèo cây hái quả, bắt chim, không chạy thả diều trên sân thượng, gần ao, hồ, sông, ngòi hay lòng đường…
Tai nạn bỏng/cháy
Bỏng là tổn thương của cơ thể ở mức độ khác nhau do tác dụng trực tiếp với các nguồn năng lượng: sức nóng, điện, hóa chất, bức xạ… để lại di chứng sẹo, tàn tật, thậm chí dẫn đến tử vong.
Nguyên nhân
Trẻ em, đặc biệt là trẻ em từ 2-5 tuổi dễ bị bỏng vì bản tính trẻ em rất hiếu động, tò mò và nhiều khi do sự bất cẩn của người lớn. Có các loại bỏng thường gặp ở trẻ như:
– Bỏng nhiệt ướt: Bỏng do nước sôi, nồi canh hoặc nồi cám lợn sôi… Đây là nguyên nhân chủ yếu. Tai nạn thường xảy ra khi phích nước sôi, đồ ăn nóng để ở trong tầm với hoặc lối đi của trẻ. Tai nạn còn xảy ra khi trẻ nấu ăn giúp bố mẹ.
– Bỏng nhiệt khô: Bàn là, ống bô xe máy, lửa, hơi nóng của lò nung… Thường do người lớn không chú ý hoặc trẻ nghịch ngợm, đốt lửa sưởi, đốt rơm rạ, đánh đổ dầu xăng gây bắt lửa…
– Bỏng hoá chất: Bỏng do vôi tôi, bỏng axít, kiềm… Do trẻ nô đùa cạnh hố vôi mới tôi sơ ý tụt chân xuống, sử dụng nhầm a xít.
– Bỏng sét đánh/điện giật: Do trẻ nghịch điện hoặc do sét đánh thường rất nặng gây chết người do cháy hoặc ngừng thở ngừng tim.
Cách phòng tránh
– Bố trí bếp nấu ăn hợp lý. Để bếp lò phẳng, cao ngoài tầm với hoặc có vách ngăn không cho trẻ nhỏ tới gần. Khi nấu luôn quay cán xoong, chảo vào phía trong
– Không cho trẻ chơi, nô đùa nơi đang nấu ăn.
– Không để đồ vật đựng nước nóng trong tầm với trẻ em (nồi canh, phích nước, vòi nước nóng, bàn là đang nóng, ống bô xe máy …).
– Khi bê nước nóng, thức ăn mới nấu cần tránh xa trẻ để không va đụng.
– Luôn kiểm tra nhiệt độ của thức ăn, đồ uống trước khi cho trẻ ăn, uống; nhiệt độ nước tắm rửa.
– Không để trẻ nhỏ tiếp xúc với diêm, bật lửa, lửa, nước sôi, thức ăn nóng, bếp đang đun…
– Không để trẻ tự tắm với vòi nước nóng lạnh.
– Luôn trông trẻ đúng cách, để mắt đến trẻ.
– Quản lý chặt chẽ chai lọ đựng hoá chất như chất tẩy rửa, acid.
Đối với các trẻ lớn hơn phải giúp đỡ bố mẹ nấu ăn: Không nên cho trẻ dưới 8 tuổi giúp đỡ bố mẹ làm bếp. Dạy trẻ các cách phòng tránh trên và luôn dùng lót tay khi bê các đồ nóng.
Đối với những trẻ phải giúp bố mẹ trông em: Dạy trẻ các cách phòng tránh trên.
Tai nạn giao thông
Tai nạn giao thông là những sự cố bất ngờ xảy ra trong quá trình tham gia giao thông, gây ra bởi các phương tiện và người tham gia giao thông.
Cách phòng tránh
– Nói cho trẻ biết những tình huống dẫn tới tai nạn giao thông, những nguy cơ và hiểm hoạ của tai nạn giao thông đối với sức khoẻ. Giúp các em có những hiểu biết, tuân thủ các qui tắc, luật lệ về an toàn giao thông.
– Hướng dẫn trẻ cách đi lại an toàn:
+ Trang bị mũ bảo hiểm khi trẻ dùng xe đạp hoặc tham gia giao thông cùng với người lớn.
+ Ghế an toàn cho trẻ em khi đi xe đạp/máy do người khác đèo.
+ Thắt dây an toàn khi ngồi trên ôtô.
– Các cách phòng tránh tai nạn giao thông đường thủy chủ yếu là:
+ Mặc áo phao.
+ Không lên tàu khi tàu quá đông (không có đủ chỗ ngồi cho mỗi người).
+ Không chen lấn xô đẩy khi ở trên tàu, phà.
+ Tuyệt đối tuân theo những quy định an toàn trên tàu (không thò chân, tay… ra ngoài cửa sổ của tàu thuyền).
Tai nạn cắt, đâm (vật sắc nhọn)
Tai nạn gây ra bởi các vật sắc nhọn là một loại hình thương tích rất thường gặp ở trẻ em, xảy ra với mọi lứa tuổi, mọi nơi, mọi lúc. Thương tích do vật sắc nhọn có thể gây ra nhiều hậu quả với các mức độ khác nhau, từ nhẹ (xây xát ngoài da, phần mềm…) đến nặng ảnh hưởng nghiêm trọng tới chức năng (nhiễm trùng, hoại tử chi…), thậm chí rất nặng gây nguy hiểm đến tính mạng của trẻ.
Cách phòng tránh
– Chỉ dẫn cho trẻ thấy được sự nguy hiểm (đau, chảy máu, cụt tay…) khi sử dụng hay chơi đùa bên cạnh các đồ vật sắc nhọn.
– Dạy trẻ tránh các trò chơi nguy hiểm (trèo cây, đấu kiếm…).
– Dạy trẻ không bắt chước người lớn làm công việc nguy cơ như gọt hoa quả, thái thịt, khâu vá… mà không có sự giám sát của người lớn.
Động vật cắn, đốt
Là những tai nạn trẻ thường gặp khi được cha mẹ cho về quê chơi như ong đốt, rắn cắn, chó cắn…
Cách phòng tránh
– Nên nói cho trẻ biết sự nguy hiểm khi bị động vật cắn và các loại động vật cắn thường gặp.
– Hướng dẫn trẻ không nghịch tổ ong, không trêu chọc chó, mèo và các vật nuôi, không chơi gần các bụi rậm để tránh bị rắn cắn, nếu phải đi qua thì dùng gậy khua vào bụi rậm phía trước, đợi một lúc rồi mới đi qua.
– Dạy cho trẻ em biết những con vật nguy hiểm, những con vật nào không nguy hiểm. Dạy cho trẻ biết những nơi loài vật nguy hiểm thường ở để lánh xa nơi đó.
– Xây dựng môi trường an toàn: Chó, mèo phải được tiêm chủng và phát quang bụi rậm xung quanh nhà.
Đuối nước
Khi có sự xâm nhập đột ngột và nhiều của nước hoặc chất dịch vào đường thở (mũi, mồm, khí phế quản, phổi) làm cho không khí có chứa oxy không thể vào phổi được gọi là đuối nước. Hậu quả là não bị thiếu oxy, nếu không được cấp cứu kịp thời nạn nhân sẽ bị chết hoặc để lại di chứng não nặng nề.
Cách phòng tránh
– Đối với trẻ nhỏ phải có người trông trẻ:
+ Luôn ở cạnh trẻ trong phạm vi 5m, đảm bảo bạn luôn nhìn thấy, nghe thấy trẻ.
+ Bạn nên nói chuyện với trẻ trong lúc làm việc để trẻ thấy mình vẫn được quan tâm.
+ Trong trường hợp có nhiều người trông trẻ và trẻ tham gia các hoạt động tập thể (như các bữa tiệc ở gần nơi có ao hồ, đi tắm biển tập thể…), cách tốt nhất là cử 1-2 người chuyên theo dõi trẻ và không làm việc gì có thể khiến họ phân tâm (có nhiều truờng hợp nhà có giỗ hoặc liên hoan, không có ai để mắt đến trẻ và tai nạn đáng tiếc đã xảy ra).
+ Tuyệt đối không để trẻ duới 10 tuổi trông trẻ bé hơn.
– Phòng tránh để không xảy ra tai nạn:
+ Hướng dẫn cho trẻ học bơi theo trường lớp có người quản lý.
+ Kịp thời phát hiện các yếu tố nguy cơ để hạn chế tiếp xúc.
+ Phòng tai nạn đuối nước trong gia đình bạn bằng cách rào quanh ao hoặc nơi có nước sâu để bảo vệ trẻ em.
+ Giếng, bể, chum vại, chậu nước và thùng nước phải có nắp đậy an toàn và chắc chắn.
+ Hố vôi tôi đã sử dụng hết cần lấp kín để tránh các em chơi đùa bị rơi xuống hố.
+ Trong mùa mưa lũ, cần phải có biển báo những chỗ nước sâu, nguy hiểm và nhắc nhở trẻ em tuân theo các lời chỉ dẫn.
+ Luôn ở cạnh trẻ và theo dõi sát khi chúng tắm hoặc chơi ở chỗ có nước.
+ Không được để trẻ đi tắm bơi lội ở ao hồ một mình mà không có người lớn biết bơi đi kèm.
Điện giật, sét đánh
Điện giật hoặc sét đánh sẽ tác động vào hệ thần kinh làm rối loạn hoạt động của hệ hô hấp, hệ tuần hoàn. Dòng điện sẽ gây cháy bỏng và co rút các cơ bắp gây cảm giác đau nhức. người bị điện giật sẽ khó thở, rối loạn nhịp tim. Nếu bị nặng, đầu tiên sẽ ngừng thở sau đó tim ngừng hoạt động, nạn nhân chết trong tình trạng ngạt, bỏng nặng và co rút, tê liệt các cơ bắp.
Cách phòng tránh
– Phòng tránh điện giật: Quan trọng nhất vẫn là đảm bảo trẻ không tiếp xúc với các yếu tố nguy cơ gây điện giật.
+ Để nguồn điện ở chỗ trẻ nhỏ không với được: Để ngoài tầm với của trẻ, dùng chắn điện an toàn, lấy băng dính bịt kín những ổ điện ít dùng đến.
+ Thường xuyên kiểm tra hệ thống dây điện, các thiết bị điện, tìm chỗ hở và khắc phục.
+ Giáo dục trẻ không sờ tay vào ổ cắm.
+ Nhắc nhở trẻ tránh xa nơi đây điện đứt rơi xuống, đặc biệt khi trời mưa thì không nên nấp dưới gốc cây to/cao…
+ Giáo dục ý thức tuân thủ an toàn dưới hành lang điện (không trèo lên cột điện, không lấy sào chọc dây điện, không câu móc điện bừa bãi, không xây nhà cao gần đường điện cao thế).
+ Không dùng điện để đánh cá, diệt chuột, chống trộm.
– Phòng tránh sét đánh: Khi có mưa dông sấm sét.
+ Không đi ra đường, không đứng ngoài đồng trống. Lên bờ ngay nếu đang đứng dưới nước.
+ Không đứng dưới gốc cây to, không đứng gần cột điện cao thế, cột thu lôi.
+ Không mang đồ vật bằng kim loại, không đến gần khu vực tập trung vật liệu bằng kim loại, vùng có mỏ sắt.
+ Trùm ngay áo mưa kín đầu rồi ngồi xuống thấp hoặc chạy vào trong nhà nếu đang ở ngoài trời.
Cho trẻ đi du lịch hè là thói quen được nhiều gia đình duy trì, tuy nhiên không phải ai cũng có sự chuẩn bị kỹ lưỡng trước từng chuyến đi. Khi cha mẹ cho con đi du lịch, điều quan trọng nhất vẫn là chú ý tới tính an toàn của trẻ. Cần để mắt đến trẻ mọi lúc, mọi nơi, tránh những hậu quả có thể xảy ra chỉ vì một phút lơ là.